"Khi được chuẩn đoán mang bệnh nan y trong người, tôi bắt đầu nhìn thế giới qua hai lăng kính; tôi bắt đầu nhìn cái chết trong hai vai trò bác sĩ và bệnh nhân."- Paul Kalanithi
1, Thông tin cơ bản
- Tên sách: When breath becomes air (Khi hơi thở hóa thinh không)
- Tác giả: Paul Kalanithi
- Thể loại: Tự truyện
- Năm xuất bản: 2016
- Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Dân Trí
- Biên dịch: Trần Thanh Hương
- Số trang: 233
- Giá bán niêm yết: 109.000 VNĐ
Paul Sudhir Arul Kalanithi (1977-2015) là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh và một nhà văn. Anh lớn lên ở Kingman, Arizona, tốt nghiệp từ trường Stanford bằng cử nhân và thạc sĩ về Văn học Anh và một bằng cử nhân về Sinh học người cùng với bằng thạc sĩ triết học về Lịch sử và Triết học Khoa học, Y học tại trường Đại Học Cambridge và tốt nghiệp xuất sắc từ trường Y thuộc đại học Yale. "Khi hơi thở hóa thinh không" là lời tâm sự của anh khi phát hiện và đấu tranh chống lại căn bệnh Ung thư Phổi di căn giai đoạn IV của mình. Đó là những trăn trở của anh đối với sự khó khăn của nghề y, của sự sống và cái chết.
2, Nội dung
Liệu bạn có biết được rằng khi nào mình sẽ chết?
Chúng ta sẽ chỉ biết rằng chúng ta sẽ chết, nhưng sẽ không biết là vào khi nào.
Paul Kalanithi là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh bước vào năm cuối chương trình nội trú, một người tài giỏi theo đuổi lí tưởng sống cao đẹp và tài giỏi: "Đêm Thứ Năm vụt sáng qua sáng thứ Sáu khi tôi dính kẹt trong phòng mổ ba mươi sáu tiếng liên tục, với một chuỗi những ca vô cùng phức tạp: chứng phình mạch cỡ đại, phẫu thuật bắc cầu động mạch não, dị dạng động tĩnh mạch". Năm 36 tuổi, anh bắt đầu có những triệu chứng như sụt cân một cách trầm trọng: từ 79kg xuống còn 64kg; có những cơn đau ngực nghiêm trọng; những cơn ho kéo dài không dứt; một loạt các cơn đau với nhiều cấp độ hay đó là những biểu hiện của căn bệnh quái ác: Ung thư.
Cuốn tự truyện bao gồm 5 mục: Đề tựa (do Abraham Verghese trình bày); Phần I: Khởi đầu một sức khỏe hoàn hảo; Phần II: Không dừng lại cho tới chết (do Paul Kalanithi trình bày); Lời bạt; Lời cảm ơn (do Lucy Kalanithi trình bày).
Phần I: Khởi đầu một sức khỏe hoàn hảo
Khi còn nhỏ, Paul Kalanithi chắc chắn rằng mình sẽ không trở thành bác sĩ, nếu ép buộc phải nói ra một nghề nghiệp nào đó, câu trả lời của anh có lẽ là một nhà văn; mọi suy nghĩ về nghề nghiệp khi đó đều rất kì cục. "Tôi nằm đó trên đám bụi đất, trôi nổi giữa ánh dương và ký ức, cảm nhận kích cỡ to hẹp của thị trấn này, cách xa kí túc xá trường Đại Học mới của tôi tại Standford và tất cả những gì nó hứa hẹn tới hai mươi lăm ngàn cây số." Cha anh là một bác sĩ, ông bị thu hút bời ánh mặt trời và chi phí sinh hoạt mà chuyển từ một vùng ngoại ô đông đúc giàu có phía Bắc Mahattan, Bronxville, New York để tới Kingman, Arizona - một thung lũng hoang mạc kẹp giữa hai dãy núi, thế giới bên ngoài biết đến nó như một trạm xăng để nạp nhiên liệu trên đường di chuyển tới một nơi nào đó. Cha anh còn mong muốn có cơ hội nào đó để mở phòng khám tim mạch địa phương của riêng mình tại nơi đây. Nơi đây có sự tự do, chiều đến Paul và các bạn cùng đi khám phá, đi dạo và kiếm tìm những con lạch hiếm hoi trên sa mạc. Mẹ của anh: một người phụ nữ được đào tạo ở Ấn Độ để trở thành một nhà Sinh lý học, kết hôn ở độ tuổi 23, sinh ra được ba người con trai, luôn bận rộn chăm sóc và nuôi nấng ba đứa trẻ ở một vùng đất không hề thuộc về mình, bản thân chưa từng đọc được nhiều sách nhưng lại không chịu để các con chịu thiệt thòi. Và anh trai anh Suman được nhận vào Stanford ngay sau khi chuyển đến Kingman và khăn gói chuyển đi ngay sau đó. Tiếp đến là Paul Kalanithi cũng đỗ trường Đại học danh giá Stanford, anh đăng kí môn học Bổ sung là Sinh học và Khoa học Thần kinh. Khi mà anh nghĩ rằng anh chắc chắn sẽ không trở thành bác sĩ thì ngay sau khi kết thúc Thạc sĩ Văn học Anh tại Stanford, Paul tiến thẳng về Mỹ và bắt đầu việc học Y khoa tại trường Đại Học Yale. Tiếp nối những trang sách là loạt câu chuyện khi tham gia học Y: đó là về mặt lý thuyết và thực hành (được mổ xác người, rạch từng bộ phận trên cơ thể con người để nghiên cứu), khi được thực tập tại một bệnh viện và khi anh được bước chân vào phòng phẫu thuật.
Phần II: Không dừng cho tới chết
Hình chụp CT vẫn sáng trên màn hình máy tính cho thấy Ung thư đã xâm chiếm nhiều hệ cơ quan, chuẩn đoán đã quá rõ ràng. "Một chương cuộc đời tôi dường như đã kết thúc,mà có lẽ cả cuốn sách đã khép lại [...] Căn bệnh nguy hiểm không chỉ có tính chất thay đổi cuộc đời mà còn phá tan nó". Chuẩn đoán về Ung thư Phổi là điều chắc chắn, một cuộc sống mới sẽ được bắt đầu khi mang trong mình căn bệnh quái ác, tất cả kế hoạch đều bị phá bỏ. Cái chết, vốn là điều quá đỗi quen thuộc đối với công việc Y của anh, giờ đây nó lại đến tìm anh. Căn bệnh Ung thư tiến triển khiến cơ thể Paul yếu đi trông thấy, rồi khi anh cố gắng áp dụng theo các phương pháp được đề ra để ngăn cho tế bào ung thư phát triển thì nó quả thật có hiệu lực giúp cho cơ thể anh khá hơn: Anh có thể ngồi tới 30 phút mà không mệt mỏi hay có thể ra ngoài cùng Lucy (vợ Paul Kalanithi) để đi ăn với bạn bè. Khi soi hình chụp CT cũng có thể thấy được khối u teo lại, phổi không còn mờ đục như ban đầu và xuất hiện mụn nhọt (dấu hiệu lạc quan). Sức khỏe được cải thiện tốt khiến anh muốn trở lại với công việc phẫu thuật của mình: "Tôi đề xuất có một đồng nghiệp nội trú luôn sẵn sàng túc trực tôi trong mọi tình huống nếu chẳng may có chuyện gì không ổn xảy ra. Ngoài ra, tôi chỉ có thể xử lí một ca một ngày. Tôi sẽ không quản lí các bệnh nhân ngoài phòng mổ hay bị gọi bất ngờ [...]". Đã bảy tháng kể từ ngày quay lại phẫu thuật, Paul nhìn vào ảnh chụp X-quang của mình, anh so sánh mọi thứ và nhận ra mọi thứ vẫn như cũ nhưng xuất hiện một khối u mới, lớn, lấp kín thùy giữa phải, nó trông vô cùng kỳ quặc. Và hóa trị được bắt đầu vào ngay Thứ Hai, Paul cảm thấy một sự suy nhược nặng nề, cảm giác mệt mỏi từ tận trong xương cốt tràn ra. Tất cả mọi hoạt động đều trở nên khó khăn, ngay cả việc ăn uống. Vòng điều trị đầu tiên (Tarceva) đã thất bại, vòng điều trị thứ hai (hóa trị) gần như đã giết chết anh.
3, Thông điệp
"Chết là một sự kiện chỉ xảy ra chốc lát, nhưng sống cùng bệnh hiểm nghèo lại là cả một quá trình" - Paul Kalanathi
Trong cuộc sống, chúng ta sẽ trải qua năm pha đau buồn theo kiểu rập khuôn: Phủ phận -> Tức giận -> Mặc cả -> Suy sụp -> Chấp nhận nhưng với Paul, khi đối mặt với nỗi đau rằng mình mắc phải căn bệnh ác quái, nỗi buồn của anh lại đi ngược lại với chuỗi rập khuôn. Trước tiên, anh bình tĩnh khi nghe tin mình mắc căn bệnh Ung thư, tiếp đó liền trở nên suy sụp, rồi mặc cả đối với cuộc sống, sau đó thì tức giận rằng tại sao anh lại mắc bệnh ung thư khi chỉ 0,0012% những người ba mươi sáu tuổi mắc bệnh. Đúng vậy, tất cả các bệnh nhân mắc phải ung thư đều không may mắn, nhưng có những loại ung thứ như này và có loại UNG THƯ khác mà người cực kỳ không may mắc phải.
Thời gian trôi qua đối với Paul như con dao hai lưỡi: Mỗi ngày mang anh đi xa khỏi thời điểm tệ hại của lần phát bệnh trước nhưng lại gần hơn tới lần phát kế tiếp và cuối cùng - cái chết. Nó thôi thúc ta phải làm điều gì đó để "sống trọn vẹn một cuộc đời", để du lịch, để ăn uống, để làm những điều bản thân theo đuổi. Nó khiến ta nhận ra rằng chúng ta muốn sống đến thế nào và rằng có bao nhiêu thứ đang níu ta ở lại cuộc sống này. Thế nhưng, căn bệnh Ung thư không chỉ giới hạn về thời gian, nó còn giới hạn cả năng lượng, nó làm cho ta suy nhược một cách trầm trọng, hạ thấp những việc ta có thể làm trong một ngày. Đó là cuộc chiến vô cùng mệt mỏi.
Với rất nhiều người, việc được sống là một việc quá đỗi xa xỉ, là điều mà họ luôn mong ước, họ luôn cố gắng chiến đấu để có sống thêm dù chỉ một ngày, một ngày để sống. Tuy nhiên, giờ đây, đã có quá nhiều người (đa phần là các bạn trẻ) đã quên đi giá trị của cuộc sống, không phấn đấu, tự đưa mình vào trạng thái rối loạn tinh thần ( rơi vào trầm cảm) khiến cho cuộc sống trở nên vô vị, tẻ nhạt và tự nhiên không còn thiết tha đối với sự sống. Thế nhưng, đến một ngày nào đó, khi phải đối mặt với cái chết, chúng ta mới hiểu được rằng: Được sống chính là điều tuyệt vời nhất.
4, Lời kết
"Khi hơi thở hóa thinh không" là lời tâm sự của một vị bác sĩ tài giỏi trở thành bệnh nhân mắc Ung thư phổi di căn giai đoạn IV. Cuốn sách này chính là niềm tự hào cuả anh đối với cuộc đời của mình và cũng là thứ giúp cho Cady Kalanithi (Con gái của Paul Kalanithi) có thể nhớ về anh. Viết ra cuốn sách này cũng như giúp mọi người có thể đối mặt với cái chết một cách trọn vẹn.
Chúng ta sẽ không biết điều gì sẽ xảy ra phía trước, vì vậy sống một cuộc đời hạnh phúc và theo đuổi những thì mình đam mê là điều bắt buộc cần phải làm, ngay thời điểm này. Cái chết sẽ đến một cách bất ngờ, không có sự dự báo trước và hơn hết là ta đối mặt với nó ra sao? Paul đã thể hiện sự kiên cường của mình khi đấu tranh chống lại bệnh tật và vô cùng bình tĩnh khi quyết định "được chết".
Cùng với quá trình chống lại căn bệnh quái ác, Paul Kalanithi còn trần thuật lại cuộc sống ngày thơ bé và những vất vả trong ngành Y khoa: tỉ lệ chọi để được vào ngành Y là vô cùng cao, tiếp đó là việc học thâu đêm suốt sáng, những bài thực hành ghê rợn khiến ta phải nôn mửa, công việc thực tập vất vả cho tới những cuộc phẫu thuật kéo dài hàng giờ.
Nói tóm lại, "Khi hơi thở hóa thinh không" của Paul Kalanithi là một trong số các cuốn sách đáng đọc nhất mà ai cũng nên sở hữu trong đời.
Hi vọng rằng mỗi người trong số chúng ta sẽ biết trân quý cuộc sống của mình hơn.
Đánh giá của bản thân: 9.5/10
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét